Cập nhật: 27-08-2020 03:28:12 | Các bài viết hướng dẫn chi tiết | Lượt xem: 6057
Hướng dẫn xử lý sự cố về nhiệt khi sử dụng Sơn tĩnh điện
Trong sơn bột tĩnh điện, nhiệt độ và thời gian sấy là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Trên thực tế, sự cố thừa hoặc thiếu nhiệt diễn ra khá phổ biến tại các xưởng gia công. Sau đây chúng tôi xin được chia sẻ tới Quý khách hàng một số kinh nghiệm về sự cố này như sau:
I, Nhận biết sản phẩm bị sự cố về nhiệt
1, Sản phẩm bị thiếu nhiệt:
- Độ bóng cao hơn mẫu tiêu chuẩn, đối với sơn mờ/bán mờ thì màu sắc và độ bóng khác nhau. (Hình 1).
+ Lệch màu
Mẫu B (mẫu thiếu nhiệt) và mẫu A (mẫu chuẩn đạt nhiệt). Mẫu B đen hơn so với mẫu A (dE = 0,58) do đối với màu đen độ bóng cao hơn dẫn đến màu sắc đen hơn và ngược lại mẫu mờ hơn sẽ bạc hơn.
Hình 1: Đo độ lệch màu
+ Lệch độ bóng
Đối với sơn mờ và bán mờ, khi sấy thiếu nhiệt sẽ dẫn đến hiện tượng sơn bóng hơn so với mẫu chuẩn (mẫu đạt nhiệt). Nhìn ngoại quan có thế thấy mẫu B (mẫu thiếu nhiệt) có độ bóng cao hơn mẫu A (đạt nhiệt). (Hình 2)
Hình 2: Ngoại quan độ bóng giữa mẫu đủ nhiệt và thiếu nhiệt
- Cơ lý tính không đạt: Bền va đập kém, bám dính kém.(Hình 3)
Hình 3: Hình ảnh kiểm tra bền va đập
- Bám dính kém
Kiểm tra bám dính cross-cut trên cả 2 mẫu cho thấy mẫu B bề mặt bị bong tróc còn mẫu A xung quanh vết cắt không bị bong tróc.
Hình 4: Kiểm tra bám dính
2, Sản phẩm bị thừa nhiệt:
- Độ bóng thay đổi so với mẫu tiêu chuẩn (xu hướng bị mờ hơn so với mẫu chuẩn).(Hình5)
Hình 5: Kiểm tra độ bóng
- Bề mặt chịu cào xước kém (do màng sơn bị lão hóa).(Hình 6)
Hình 6: Hình ảnh cào xước móng tay kém
- Màu sắc thay đổi so với mẫu tiêu chuẩn (xu hướng bị vàng hóa).(Hình 7a, 7b)
Hình 7a: Cảm quan bằng mắt có thể thấy mẫu D vàng hơn mẫu C do thừa nhiệt dù cùng sử dụng chung một mẫu sơn
Hình 7b: Lệch màu kiểm tra bằng thiết bị đo màu
II, Giải pháp khắc phục
- Trường hợp sản phẩm thiếu nhiệt được phát hiện sớm, đơn vị thi công có thể sấy thêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để hạn chế tối đa thiệt hại
- Trường hợp sản phẩm sấy thừa nhiệt hoặc thiếu nhiệt nhưng phát hiện muộn (khi đã tháo dỡ toàn bộ sản phẩm ra khỏi lò sấy, bị bụi bẩn bám trên bề mặt) chỉ có thể khắc phục bằng cách vệ sinh, làm sạch bề mặt sản phẩm và sơn phủ lại lần 2 theo hướng dẫn của nhà sản xuất
III, Giải pháp phòng ngừa
- Định kỳ 1-3 tháng/lần sử dụng máy chuyên dụng kiểm tra nhiệt độ không khí trong lò sấy và nhiệt độ vật cần sơn.
Kiểm tra nhiệt độ bằng máy đo chuyên dụng
- Kiểm soát chặt chẽ thời gian và nhiệt độ sấy theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất sơn. Có thể dùng mẫu chuẩn để so màu hoặc độ bóng với các mẻ/lô sấy trong từng ka làm việc.
- Lập sổ ghi chép nhật ký thi công của từng lô sản phẩm để kiểm soát quá trình và có cơ sở khắc phục sự cố (nếu có)
Kiểm soát chặt chẽ thời gian sấy và nhiệt độ sấy
Dùng mẫu chuẩn để so màu hoặc độ bóng
- Kiểm tra độ bám dính của màng sơn sau khi sấy để kịp thời phát hiện và điều chỉnh nhiệt độ trong các lô hàng sấy sau (nếu sản phẩm có dấu hiệu như đã nêu trên)
- Kiểm tra sản phẩm bằng dung môi chuyên dụng
Bản quyền thuộc về Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 VinaWeb